Tư vấn chế độ ăn uống tốt cho sức khỏe trong ngày tết
-
10-08-2024 08:06 AM
Tết là dịp tất cả mọi người dành thời gian để vui chơi, ăn uống, gặp gỡ bạn bè,... Chính vì tâm lý đó mà rất nhiều người thường “ăn uống thả ga” không chú ý tới thành phần dinh dưỡng trong thức ăn gây ra tình trạng béo phì, đau bụng, mệt mỏi ở nhiều người sau tết. Vậy chế độ ăn uống lành mạnh trong và sau tết như thế nào để đảm bảo sức khỏe.
Đối với người cao tuổi
Ở những người cao tuổi, chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi, sinh hoạt cần phải được chú ý vì một số người ở độ tuổi này thường dễ mắc phải các bệnh như tiểu đường, huyết áp, tiêu hóa, tim mạch…
Họ nên hạn chế sử dụng các món ăn có chứa nhiều mỡ động vật và chất béo no như thịt đông, bánh chưng, bánh tét, lạp xưởng, đồ nguội… và một số món ăn như dưa góp, dưa muối, thịt ngâm…
Ăn ít các loại bánh kẹo ngọt vì có nguy cơ bị tăng đường huyết và hệ tiêu hóa ở tuổi này thường dễ bị ảnh hưởng, nếu sử dụng sẽ không tốt cho sức khỏe.
Người già thường có thói quen tiết kiệm nên họ thường nấu lại đồ ăn nhiều lần. Thức ăn nấu lại nhiều lần thường dễ mất nước, lượng vitamin và các enzyme có lợi bị hao hụt khá nhiều. Khi sử dụng sẽ dễ gây ngộ độc và không an toàn cho sức khỏe.
Đối với phụ nữ đang mang thai
Nhiều chị em cho rằng, khi mang thai và đang cho con bú thì phải ăn thật nhiều để cung cấp dinh dưỡng cho con. Vì thế, ngày tết nhiều mẹ “ăn uống thả ga” để cho con khỏe mạnh.
Tuy nhiên, theo chuyên gia dinh dưỡng, thai nhi cần hấp thụ một lượng chất vừa đủ để phát triển. Nếu bổ sung quá nhiều chất, thai phụ sẽ có nguy cơ đối mặt với một số tác dụng phụ như huyết áp cao, béo phì, đái tháo đường thai kỳ…
Thai phụ cần chú ý một số điều sau về vấn đề ăn uống trong những ngày Tết để đảm bảo sức khỏe cho mình và cho bé:
- Hạn chế sử dụng một số món ăn như tiết canh, các loại gỏi nộm chín tái, nem chua, các loại sushi có cá sống…để tránh bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn.
- Hạn chế sử dụng các món muối chua như củ kiệu, củ hành, đu đủ xanh…vì có thể gây rối loạn tiêu hóa, nóng trong người, đau dạ dày.
- Chỉ nên sử dụng một lượng đồ ăn chế biến sẵn, có dầu mỡ vừa phải như thịt đông, bánh chưng, giò thủ, lạp xưởng…
- Hạn chế uống nước ngọt có gas có thể làm tăng đường huyết.
- Tuyệt đối không sử dụng bia, rượu và thức uống có cồn vì có thể khiến thai kém phát triển, sẩy thai.
- Nên sử dụng các loại mứt, trái cây sấy khô, bánh kẹo có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc sử dụng thêm các loại hạt như hạt hạnh nhân, hạt dẻ, hạt bí, hạt óc chó…
- Bổ sung thêm các loại rau xanh, trái cây, hoa quả, uống nhiều nước.
Đối với trẻ em
Trẻ em là lứa tuổi đang ăn, đang lớn nên Tết về sẽ là dịp để chúng ăn uống thỏa thích.
Các loại bánh kẹo Tết thường chứa hàm lượng đường khá cao, khi ăn quá nhiều sẽ khiến trẻ chán ăn và không thèm ăn bữa chính.
Những loại thức ăn thừa được hâm lại nhiều lần khi cho trẻ sử dụng cũng dễ dàng làm trẻ bị rối loạn tiêu hóa, đau bụng, tiêu chảy, nôn ói.
Cho trẻ ăn nhiều hoa quả, rau xanh, uống nước sinh tố trái cây để trẻ dễ tiêu hóa hơn, tránh bị táo bón.
Các phụ huynh cần điều chỉnh thói quen ăn uống cho trẻ như bổ sung nhiều rau xanh, trái cây tươi, men tiêu hóa cho trẻ vào những ngày này.
Một điều nên nhớ nữa đó là cho trẻ ăn vừa đủ các loại đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ, chất béo, thực phẩm chiên rán. Nên cho trẻ ăn các loại hạt, đậu như hạt hướng dương, hạt điều, hạt bí, đậu phộng…
Đối với người đang giảm cân
Chỉ nên hạn chế ăn các loại món ăn như bánh tét, bánh chưng, thịt, giò và các loại bia, rượu, nước ngọt.
Bổ sung thêm nhiều loại rau củ xanh, trái cây tươi và nước lọc để cung cấp vitamin và các khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
Trong những ngày tết có thể dành ra khoảng 30 phút để tập luyện một số bài tập toàn thân, tập cơ,…hay đơn giản là chạy quanh khu vực nhà mình đang ở.
Biết xây dựng chế độ ăn uống phù hợp, lành mạnh trong ngày Tết sẽ giúp bạn thoải mái ăn uống mà không lo bị các vấn đề tiêu hóa ghé thăm.