Nhận Biết Cảm lạnh Và Cảm Cúm Khi Thời Tiết Thay Đổi

  • 14-09-2022 09:25 AM

cảm lạnh và cảm cúm

Vì cảm cúm và cảm lạnh không phải là một bệnh, dù chúng có các dấu hiệu khá giống nhau. Đây là hai tình trạng hoàn toàn khác nhau, mức độ ảnh hưởng là rất khác nhau tới sức khỏe.

Cảm lạnh và cảm cúm là hai tình trạng mà mọi người rất dễ bị mắc phải trong những ngày thời tiết thay đổi thất thường như hiện nay. Để tự bảo vệ sức khỏe cho mình và cho người thân trong gia đình thì cần biết cách nhận biết rõ triệu chứng của 2 tình trạng này.

Trong khi cảm lạnh chỉ khiến bạn khó chịu trong một vài ngày, thì cúm lại có thể dẫn đến các biến chứng có thể gây tử vong.

Cảm lạnh

Cảm lạnh còn được gọi là cảm, viêm mũi họng, sổ mũi cấp. Cảm lạnh chủ yếu ảnh hưởng tới mũi, họng (viêm họng) và các xoang (viêm xoang).

Cảm lạnh xâm nhập vào cơ thể qua mũi, miệng hoặc lây qua khi tiếp xúc với người bệnh hắt hơi, ho.

Triệu chứng:

  • Đau họng, sổ mũi, nghẹt mũi, ho, sốt, nhức đầu, người mệt mỏi, đầy bụng khó tiêu, đau nhức cơ bắp, tức ngực, táo bón…
  • Ở trẻ em bao gồm các triệu chứng như biếng ăn, khó ngủ, táo bón, tiêu chảy và hay quấy khóc.

Các triệu chứng này là do hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng với virus chứ không phải do virus gây ra.

Nguyên nhân:

  • Virus: Phổ biết nhất là do rhinovirus gây ra ở đường hô hấp trên, điển hình là ở mũi và họng.
  • Truyền nhiễm: Các virus cảm lạnh thường truyền qua đường không khí, do tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh hoặc vật nhiễm khuẫn.
  • Thời tiết: Kinh nghiệm dân gian luôn cho rằng cảm lạnh kéo dài, nghiêm trọng, thường xảy ra hơn trong những ngày lạnh và mưa, ẩm ướt.
  • Khác: Thiếu ngủ và suy dinh dưỡng là nguy cơ gây nhiễm trùng sau khi tiếp xúc với rhinovirus.

Phòng và chữa:

Cảm lạnh không có cách chữa, nhưng vẫn có cách trị những triệu chứng do bệnh gây ra.

  • Cách phòng chống chủ yếu là rửa tay sạch sẽ và tránh nói chuyện trực tiếp với người mắc bệnh.
  • Có thể dùng bạc và cạo bằng dầu nóng, lòng trắng trứng gà; xông lá bằng lá bưởi, lá chanh, lá ngải cứu…

Để chắc chắn thì hãy đi bác sĩ khám ngay khi thấy khó thở, thở khò khè, đau rát họng, đau đầu, sốt cao trên 38,5°c.

Cảm cúm

Mắc cảm cúm thường bị tăng nhiệt, đau đầu, đau cổ họng, đau nhức bắp thịt khắp cơ thể, ho, mệt mỏi.

Cảm cúm là bệnh về đường hô hấp do nhiễm virus. Các loại virus đều tấn công vào hệ hô hấp của cơ thể (phổi và đường hô hấp), bao gồm cổ họng và mũi.

Triệu chứng:

  • Sốt trên 38°C
  • Ớn lạnh và đổ mồ hôi
  • Nhức đầu
  • Ho khan
  • Nghẹt mũi
  • Đau nhức cơ bắp, đặc biệt là ở lưng, tay và chân
  • Mệt mỏi và yếu
  • Mất cảm giác thèm ăn
  • Chảy mũi
  • Tiêu chảy.

Nguyên nhân:

Siêu vi trùng cúm có ba loại: A, B và C. Loại A và C gây cúm ở nhiều động vật và đôi khi gây bệnh ở người, loại B chỉ nhiễm riêng loài người.

  • SVC loại A gây cúm trầm trọng ở người, được chia dạng theo kháng thể của huyết thanh: H1N1, H2N2, H3N2, H5N1, H7N7, H1N2, H9N2, H7N2, H7N3, H10N7.
  • SVC loại B gây cúm ở người nhưng tỉ lệ ít, thay hình đổi dạng chậm hơn loại A (do chỉ có 1 dạng huyết thanh). Vì đổi chậm nên SVC loại B không gây những trận dịch lớn như loại A.
  • SVC loại C gây cúm ở người và heo, có khả năng gây dịch nặng. Tuy nhiên lại hiếm hơn và ở trẻ em không nghiêm trọng.

Khi bị cần phải được cách ly để tránh lây lan sang người khác, đồng thời cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị ngay.

Phòng tránh:

  • Nên tiêm vắc xin phòng ngừa cúm cho trẻ em từ 6 tháng tuổi.
  • Rửa tay bằng xà phòng hoặc bằng các dung dịch sát khuẩn.
  • Không có điều trị đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng và các biến chứng cùng với nâng cao thể trạng.
  • Nghỉ ngơi, ăn uống và bù nước đủ cho bệnh nhân.
  • Nếu bệnh nhân sốt cao thì hạ nhiệt bằng Paracetamol.
  • Không dùng Aspirin hay các dẫn xuất có Salicylate khác, nhất là cho trẻ em.
  • Vitamin C, 1 – 2 g/ngày.