Biện pháp phòng tránh ấu trùng sán lợn, sán dây

  • 14-09-2022 09:25 AM

Phòng tránh nhiễm ấu trùng sán lợn là vấn đề cực kỳ quan trọng vì không phát hiện và xử lý kịp thời, bệnh gây ra rất nhiều nguy hiểm ảnh hưởng tới sức khỏe.

Biện pháp phòng tránh ấu trùng sán lợn, sán dây

Ấu trùng sán lợn là ấu trùng của sán dây lợn có tên Taenia solium. Nhiễm ấu trùng sán lợn là tình trạng ô nhiễm mô do ký sinh gây ra bởi loại ấu trùng này.

Ấu trùng này có vật trung gian là lợn nên nếu bệnh nhân ăn phải thức ăn có chứa trứng sán lợn hoặc ăn thức ăn có chứa ấu trùng sán lợn mà chưa được nấu chín kỹ thì sẽ bị nhiễm sán lợn.

Phòng tránh nhiễm ấu trùng sán lợn theo nguyên tắc:

  • Tuân thủ nguyên tắc ăn chín, uống sôi. Sử dụng các loại thực phẩm, thức ăn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
  • Lựa chọn thịt lợn không có các đốm hạch màu trắng hình hạt gạo. Tốt nhất nên chọn mua thịt ở những cơ sở bán thịt đã được kiểm định về chất lượng và độ an toàn thực phẩm.
  • Không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm.
  • Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn.
  • Uống nước đã được đun sôi.
  • Tránh sử dụng các thức ăn tái, sống, thức ăn chưa nấu chín kỹ như lợn tái, nem chua sống, tiết canh…
  • Không ăn các loại rau sống hoặc phải ngâm kỹ rau với nước muối để sát khuẩn, nên sử dụng các loại rau đã nấu chín.
  • Đối với những người chăn nuôi lợn thì cần phải thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển buôn bán lợn theo đúng quy định.
  • Quản lý chất thải theo đúng quy định. Nên sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
  • Nếu nhận thấy mình có dấu hiệu nhiễm ấu trùng sán lợn cần nhanh chóng báo ngay cho cơ sở y tế uy tín để được điều trị kịp thời.

Ấu trùng sán lợn sẽ chết khi đun sôi 2 phút

Cục Y tế dự phòng cho biết, ấu trùng sán lợn sẽ chết khi được đun sôi 2 phút hoặc đun nấu ở nhiệt độ 75 độ C trong vòng 5 phút. Đây là tiêu chuẩn nhiệt độ và thời gian đủ để giết chết ấu trùng sán lợn trong các loại thức ăn.

Chính vì thế, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện ăn chín, uống chín, ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh.

Để biết xem có phải mắc bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn hay không cần dựa vào các biểu hiện triệu chứng bệnh như: đi ngoài ra đốt sán, rối loạn tiêu hóa, đau bụng kéo dài… và các xét nghiệm.

  • Trong thời gian qua, có nhiều trẻ ở xã Thanh Khương và xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã được gia đình đưa đến Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để khám xác định bệnh ấu trùng sán lợn.
  • Bình thường tỉ lệ người mắc bệnh sán lợn gạo trong cộng đồng là rất thấp, tuy nhiên số lượng trẻ dương tính với sán lợn tại Thanh Khương là một sự việc bất thường, cần được tìm hiểu và gấp rút tìm hiểu nguyên nhân.
  • Các bác sĩ đã và đang tích cực khám chẩn đoán phát hiện các triệu chứng, đánh giá các nguyên nhân, các yếu tố dịch tễ, tiền sử sử dụng các loại thức ăn bị ô nhiễm, làm xét nghiệm và tiến hành các phân tích để có chẩn đoán.
  • Việc chẩn đoán hiện tại có đang mắc bệnh ấu trùng sán lợn hay không cần dựa vào nhiều yếu tố vì xét nghiệm Elisa kháng thể dương tính có thể do đã bị nhiễm bệnh trước đó.
  • Vì vậy, việc chẩn đoán chính xác nguồn lây truyền, đường lây cần có các điều tra, đánh giá dịch tễ cẩn thận, rõ ràng, chính xác đảm bảo khách quan dựa trên các bằng chứng khoa học.

Để phòng bệnh tiếp tục lan rộng, Bộ Y tế khuyến cáo thực hiện ăn chín, uống chín, ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh.

Không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm. Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống, (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).