Bệnh sán lợn (sán dây lợn) ở người
-
10-08-2024 08:06 AM
Người mắc bệnh sán lợn do 2 nguyên nhân chính là ăn phải trứng của sán dây lợn hoặc ăn phải ấu trùng sán lợn do ăn thịt lợn bị nhiễm sán (lợn gạo) chưa nấu chín, còn sống. Hiện nay theo báo cáo, ở Việt Nam đã có 55 tỉnh, thành có trường hợp bị nhiễm sán lợn ở người.
Sán lợn (sán dây lợn) là một loại ký sinh trùng có tên khoa học Taenia solium, hình dẹp, có một đầu có các miệng xúc tu để bám vào thành ruột và thân là các đốt sán dính vào nhau thành một dây.
Bệnh sán lợn là tình trạng viêm nhiễm ở mô ký sinh do ấu trùng của sán dây lợn gây ra. Khi người ăn phải trứng sán dây lợn từ ngoại cảnh theo thực phẩm, rau quả, đồ tươi sống và chưa chín kỹ vào ruột non phát triển thành ấu trùng hoặc những người đang mắc sán trưởng thành ký sinh ở ruột non.
- Khi ăn phải đồ ăn có chứa trứng sán. Trứng sán sẽ phát triển thành ấu trùng và di chuyển trong máu, đến các cơ quan và gây bệnh ở một số bộ phận như cơ vân, mắt, não, gan, dưới da hoặc các mô khác.
- Ngoài ra, khi ăn phải thịt lợn gạo có chứa ấu trùng sán lợn, ấu trùng sẽ bám vào ruột non và di chuyển tại đây, sau đó phát triển thành sán trưởng thành.
- Loại sán trưởng thành này có thể cư trú ở ruột non trong nhiều năm. Chúng có thể phát triển chiều dài lên tới 7m với mỗi đốt sán chứa 50.000 đến 100.000 trứng sán.
Bệnh sán lợn ở người có thể gây ra những triệu chứng là đau bụng, chán ăn, mệt mỏi, sụt cân bất thường, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa nhẹ, khó chịu, ngứa ngáy vùng hậu môn, khi đi ngoài thấy có đốt sán ở phân.
Nguy hiểm ở người khi bị nhiễm sán lợn:
- Nang sán lợn cư trú tại da sẽ gây ra các u có kích thước bằng hạt đỗ hoặc hạt lạc, không ngứa, không đau, nằm ở vị trí cơ vân và gây ra các triệu chứng như mỏi cơ, đau cơ hoặc co giật cơ.
- Đối với mắt, ấu trùng sán nằm trong ổ mắt làm lồi nhãn cầu gây lác, làm bong võng mạc gây giảm thị lực, có thể dẫn đến mù lòa.
- Ở não, nang sán ký sinh trong não làm tăng áp lực sọ não, gây ra các vấn đề như rối loạn tâm thần, suy giảm trí nhớ, nhức đầu, đặc biệt là động kinh.
- Nguy hiểm hơn khi sán lợn di chuyển vào tim gây rối loạn nhịp tim, ảnh hưởng tới van tim gây suy tim.
Khi nhận thấy hoặc nghi ngờ các dấu hiệu nhiễm sán lợn, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ thăm khám rồi điều trị cụ thể.
Bước đầu tiên bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán và điều trị kịp thời ngay khi nhận thấy các đốt sán để tránh tiến triển thành bệnh ấu trùng sán lợn. Bệnh nhân cần được theo dõi kỹ trong thời gian điều trị bệnh.
Lưu ý: Chống chỉ định điều trị nhiễm sán lợn cho các trường hợp sau: trường hợp mắc các bệnh như suy gan, suy thận, suy tim, tâm thần, phụ nữ mang thai và những người dị ứng với các thành phần của thuốc.
Phòng tránh bệnh sán dây lợn ở người bằng những biện pháp sau:
- Tuyên truyền, giáo dục cho người dân về tác hại và đường lây truyền của bệnh sán lợn và bệnh ấu trùng sán lợn để chủ động phòng chống bệnh.
- Tránh sử dụng các loại thực phẩm tái, sống, đồ ăn chưa được nấu chín như nem sống, thịt lợn tái, tiết canh.
- Lựa chọn loại thịt lợn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để sử dụng.
- Không ăn thịt lợn gạo hoặc các loại thịt có dấu hiệu nhiễm sán lợn.
- Không nên ăn rau sống.
- Rửa sạch rau trước khi nấu chín. Nên ngâm rau bằng nước muối để khử trùng.
- Ăn chín uống sôi.
- Rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn.
- Quản lý chất thải và khu vực chất thải một cách chặt chẽ để tránh reo rắc mầm bệnh ra môi trường. Sử dụng nhà vệ sinh hợp vệ sinh.
- Không nuôi lợn thả rông.
- Đối với những lò mổ lợn cần quản lý chặt chẽ khâu chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển để đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh theo quy định.
Người nghi bị nhiễm sán lợn cần được thăm khám, điều trị càng sớm càng tốt.