Chẩn Đoán Và Điều Trị Viêm Cổ Tử Cung

  • 14-09-2022 09:25 AM

chẩn đoán và điều trị viêm cổ tử cung

Viêm cổ tử cung có nhiều triệu chứng giống với tình trạng bị viêm âm đạo là ra huyết trắng đục, hôi, ngứa, đau rát khi quan hệ tình dục. Nguyên nhân chủ yếu là do vi khuẩn khi vệ sinh vùng kín không sạch sẽ, thói quen thụt rửa âm đạo, quan hệ tình dục không an toàn.

Khi đi thăm khám sẽ tùy dấu hiệu của bệnh để các bác sĩ chẩn đoán và điều trị cụ thể, dựa vào nguyên nhân và mức độ viêm ở hiện tại. Đa phần bệnh có thể được chữa khỏi sau một tuần điều trị.

Viêm cổ tử cung

Viêm cổ tử cung là hiện tượng viêm nhiễm tại cổ tử cung do các tác nhân có hại xâm nhập là vi khuẩn, nấm candida, lậu cầu, chlamydia, trùng roi Trichomonas.

Bệnh được chia làm 2 dạng: viêm cổ tử cung cấp tính và viêm cổ tử cung mạn tính. Viêm cổ tử cung cấp tính để lâu không điều trị kịp thời sẽ chuyển sang viêm cổ tử cung mạn tính.

Viêm cổ tử cung cần được chữa trị ngay, nếu để lâu thì nguy cơ gây vô sinh sẽ cao hơn. Nữ giới có nguy cơ cao mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như sùi mào gà, lậu, giang mai, mụn rộp sinh dục… thậm chí là HIV.

Nguyên nhân hình thành viêm là do:

  • Do mắc các bệnh viêm âm đạo, viêm vòi trứng… mà không được điều trị kịp thời khiến viêm nhiễm lan sang cổ tử cung.
  • Vệ sinh vùng kín không sạch sẽ, đúng cách. Thói quen thụt rửa âm đạo làm môi trường âm đạo mất cân bằng, vi khuẩn xấu dễ dàng tấn công gây bệnh.
  • Thực hiện một số thủ thuật ngoại khoa không an toàn như nạo, hút thai, đặt vòng tránh thai… khiến vi khuẩn có điều kiện xâm nhập gây viêm.
  • Quan hệ tình dục bừa bãi, quan hệ với nhiều đối tượng. Quan hệ thô bạo khiến cổ tử cung bị tổn thương, viêm nhiễm.
  • Lạm dụng các sản phẩm dung dịch vệ sinh vùng kín không đảm bảo an toàn.

Những nguy cơ bị viêm:

  • Nữ giới từng mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như giang mai, sùi mào gà, mụn rộp sinh dục, lậu…
  • Có đời sống tình dục không an toàn, quan hệ tình dục bừa bãi.
  • Mắc các bệnh lý về viêm cổ tử cung.
  • Hệ miễn dịch yếu do bẩm sinh, do mắc bệnh hoặc do đang trong thời gian điều trị bệnh.

Triệu chứng:

  • Đau tức vùng bụng, âm đạo thường xuyên
  • Khí hư ra nhiều kèm mùi hôi, có màu vàng xanh hoặc trắng đục
  • Chảy máu âm đạo, khí hư hơi hồng hồng hoặc nâu
  • Đau khi quan hệ tình dục
  • Nếu do bệnh lậu hoặc bệnh chlamydia gây ra, khi lan tới ống dẫn trứng, sẽ thấy bị đau vùng xương chậu
  • Do nhiễm trùng roi Trichomonas bị ngứa, sưng tấy và tăng tiết dịch âm đạo.

Còn nhiều các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Vì thế có bất kỳ thắc mắc nào khác, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

  • Chị em cần đi thăm khám ngay khi nhận thấy mình có các biểu hiện sau:
  • Âm đạo tiết ra nhiều khí hư có màu sắc kèm mùi hôi khó chịu
  • Xuất huyết âm đạo ngoài kỳ kinh
  • Thường xuyên thấy đau khi quan hệ tình dục.

Chẩn đoán:

Để chẩn đoán viêm cổ tử cung bác sĩ sẽ thực hiện các bước sau:

  • Khám lâm sàng: bác sĩ sẽ hỏi những câu hỏi về triệu chứng, dấu hiệu mà chị em gặp phải trong thời gian gần đây.
  • Khám phụ khoa: đưa dụng cụ mỏ vịt vào âm đạo để thăm khám cổ tử cung và thành âm đạo xem có gì bất thường không.
  • Soi cổ tử cung: phân tích, kiểm tra và xác định mức độ, nguyên nhân viêm nhiễm ở cổ tử cung bằng kính hiển vi.
  • Kiểm tra dịch âm đạo: lấy mẫu dịch ở âm đạo đi xét nghiệm vi khuẩn nấm hoặc chlamydia.
  • Ngoài ra, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm Pap để loại bỏ nguy cơ ung thư cổ tử cung hoặc tiền ung thư.

Các phương pháp điều trị hiện nay

Chị em cần đi thăm khám sớm để được điều trị kịp thời. Sau khi tìm ra nguyên nhân, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp chữa viêm cổ tử cung phù hợp.

Sử dụng thuốc

  • Thuốc điều trị viêm cổ tử cung thường ở nhiều dạng: thuốc bôi, thuốc uống hoặc thuốc đặt âm đạo có tác dụng tiêu diệt viêm nhiễm tùy vào từng nguyên nhân mà bác sĩ sau khi thăm khám sẽ chỉ định cụ thể.
  • Nếu tình trạng viêm do nấm bác sĩ sẽ chỉ định thuốc đặt có tác dụng kháng nấm kết hợp với dạng thuốc uống là kháng sinh và các loại vitamin giúp tăng cường sức đề kháng.
  • Liệu trình sử dụng thuốc chữa viêm cổ tử cung tùy thuộc vào cơ địa của từng người. Chị em nên chú ý tuân thủ việc dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc ngoài về chữa trị vì rất nguy hiểm.

Phương pháp ngoại khoa

Sử dụng phương pháp ngoại khoa như đốt điện, áp lạnh, sử dụng sóng Viba, sử dụng tia laser… nhằm tiêu diệt vi khuẩn gây viêm nhiễm tại cổ tử cung tùy vào từng trường hợp cụ thể.

  • Đốt điện: là phương pháp sử dụng dòng điện cao tần nhằm tiêu diệt các tế bào viêm nhiễm tại cổ tử cung. Phương pháp này phải được thực hiện bởi bác sĩ có tay nghề, kinh nghiệm cao.
  • Áp lạnh: là phương pháp sử dụng nguyên liệu chính là nito hóa lỏng ở nhiệt độ thấp, sau đó áp lạnh vào vùng bị tổn thương ở cổ tử cung. Sử dụng phương pháp này khá an toàn, không gây đau đớn cho bệnh nhân.
  • Sóng Viba: hoạt động trên nguyên lý sử dụng năng lượng từ sóng viba tác động lên các vùng bị viêm nhiễm khiến vùng này sản sinh ra nhiệt độ cao lan tỏa đến các vùng bị viêm nhiễm và tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh.
  • Sử dụng tia laser: để đốt cháy và làm bay hơi những mô bất thường tại cổ tử cung. Thời gian đốt laser không gây đau đớn cho người bệnh, tỷ lệ thành công cao, vết thương mau chóng được hồi phục.

Lưu ý trong và sau điều trị:

  • Tuân thủ theo đúng liệu trình dùng thuốc mà bác sĩ đã chỉ định. Tránh tự ý sử dụng khi chưa có sự thăm khám, tư vấn của bác sĩ.
  • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, đúng cách. Tránh sử dụng các sản phẩm vệ sinh vùng kín khi đang trong thời gian chữa trị bệnh.
  • Tránh quan hệ tình dục vì quan hệ trong thời gian này sẽ dễ khiến vi khuẩn tiến sâu vào bên trong gây viêm nhiễm khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý.
  • Tái khám đúng lịch hẹn của bác sĩ chuyên khoa.

Viêm cổ tử cung là một bệnh phụ khoa nhiễm trùng đường sinh dục gây ảnh hưởng nặng đến chức năng sinh sản của phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.

Nhiễm trùng chlamydia hoặc lậu thường lây qua đường quan hệ tình dục không an toàn và có khả năng lan đến vòi trứng, gây vô sinh. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất cho mình.

Onhealth khuyên chị em nên tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ và chú ý ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý để việc điều trị có hiệu quả tốt nhất.